07/07/2025 - Admin Gostay
Món ăn đầu tiên không thể không nhắc tới đó chính là gà nước cơm lam. Người chế biến không chọn gà quá to, mà chỉ khoảng hơn 1kg/con.
Gà được làm sạch sẽ, sau đó đem đi tẩm ướp theo công thức bí truyền cùng với nước sả giã lọc và một chút mật ong cho thơm. Đem gà đi nướng trên bếp than hồng đến khi có được màu vàng xuộm bắt mắt.
Đặc sản không thể bỏ lỡ của Buôn Ma Thuột
Với món cơm lam, gạo nếp sẽ được đem vo sạch, ngâm trong vài tiếng cho mềm rồi trộn cùng muối và dừa nạo. Gạo được cho vào ống tre, thêm nước suối trong vắt, hai đầu bịt kín bằng lá chuối rồi đem đi nướng trực tiếp trên bếp than hồng cho chín đều.
Cơm nướng chín vừa sẽ có lớp cháy nhẹ bên ngoài, dẻo thơm, quyện thêm mùi khói bếp hăng hăng. Thịt gà chín vàng xuộm, da giòn, thịt mềm, giữ được độ mọng nước.
Vào những ngày trời se se lạnh, được ngồi bên bếp lửa hồng, nhâm nhi miếng gà mọng nước, nghe tiếng gió rít của núi rừng, chắc hẳn là cảm giác mà thực khách không thể nào quên.
Bún chìa, một món ăn độc đáo, là biểu tượng ẩm thực của vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk. Món ăn này không chỉ là một đặc sản địa phương mà còn là niềm tự hào về bản sắc văn hóa ẩm thực của Đắk Lắk.
Điểm khác biệt nổi bật của bún chìa nằm ở nước dùng ngọt thanh, được ninh từ xương heo và xương bò, mang đến hương vị dịu nhẹ, trong vắt.
Bát bún chìa trứ danh của người đồng bào
Trái ngược với bún bò Huế thường đậm mùi mắm ruốc, nước dùng bún chìa hoàn toàn không có mắm ruốc, thay vào đó là vị ngọt tự nhiên, sâu lắng từ xương hầm.
Tuy nhiên, linh hồn của món ăn chính là chiếc giò chìa – một phần thịt đặc biệt được lọc từ bắp trước của con heo.
Giò chìa được ninh tới độ vừa phải, giữ được độ mềm mọng và mùi thơm đặc trưng, khi thưởng thức cùng với nước dùng ngọt thanh sẽ tạo nên một trải nghiệm ẩm thực vô cùng độc đáo và khó quên.
Đặc sản tiếp theo mà du khách không nên bỏ lỡ đó chính là bánh ướt chồng đĩa. Tên gọi "bánh ướt chồng dĩa" bắt nguồn từ cách phục vụ độc đáo của món ăn này.
Mỗi chiếc bánh ướt mỏng, nóng hổi sẽ được đặt riêng trên một chiếc đĩa nhỏ, sau đó các đĩa được xếp chồng lên nhau trong một giá đỡ chuyên dụng.
Bánh ướt chồng dĩa với các loại topping đặc biệt
Khi thực khách thưởng thức, số lượng đĩa sẽ ngày càng chồng cao lên. Một người ăn khỏe có thể dễ dàng thưởng thức hết cả một chồng 15-20 đĩa bánh mà không hề cảm thấy ngán.
Điểm hấp dẫn khác của món ăn này chính là sự tự do trong việc kết hợp các loại topping. Bánh ướt được dọn kèm với những đĩa nhỏ chứa đầy đủ các món ăn kèm lôi cuốn như: nem nướng, thịt nướng, dưa leo, xoài bào, rau thơm và dưa chua.
Tùy theo sở thích cá nhân, thực khách có thể lựa chọn một trong những loại nước chấm đặc trưng, phổ biến nhất là mắm nêm hoặc nước mắm chua ngọt. Món ăn này có giá cả rất phải chăng, chỉ với khoảng 40.000 - 80.000 đồng/phần.
Bún đỏ là một món ăn đặc sản bình dân nổi tiếng của Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Tên gọi "bún đỏ" xuất phát từ màu đỏ cam đặc trưng của sợi bún và nước dùng, gợi nhớ đến sắc màu của đất đỏ bazan trù phú.
Bún đỏ trứ danh, đặc sản Buôn Ma Thuột
Mặc dù có nét tương đồng với bún riêu hay canh bún của miền Nam, bún đỏ lại có sợi bún to và dai hơn, gần giống với bánh canh, cùng với cách chế biến được đánh giá là cầu kỳ hơn, tạo nên hương vị rất riêng biệt.
Nước dùng của bún đỏ nổi bật với vị ngọt thanh và béo nhẹ, được tạo nên từ quá trình ninh xương heo, xương bò kết hợp với cua đồng. Đặc biệt, những viên chả cua đậm đà làm từ thịt, tôm và hành băm càng tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn.
Sắc đỏ đặc trưng của món bún không phải từ phẩm màu mà đến hoàn toàn tự nhiên từ dầu điều, cà chua chín và gạch cua, mang lại một tổng thể hài hòa về cả màu sắc và hương vị.
Khi thưởng thức bún đỏ, bạn sẽ thấy tô bún được phục vụ cùng trứng cút, chả cá, và các loại rau như cải ngọt, giá được chần sơ, thay vì các loại rau sống thông thường.
Để tăng thêm hương vị theo sở thích cá nhân, thực khách có thể thêm chút giấm, chanh hoặc ớt. Với mức giá rất phải chăng, chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng mỗi tô, bún đỏ là lựa chọn tuyệt vời cho một bữa ăn vừa ngon miệng vừa túi tiền.