Thành phố Thủ Đức có thể được tăng quyền ở nhiều lĩnh vực

11/04/2023 - Admin Gostay

Thành phố Thủ Đức được đề xuất có thêm quyền ở các lĩnh vực như quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, kinh tế, đô thị, tài nguyên môi trường, văn hóa xã hội.

Thành phố Thủ Đức được đề xuất có thêm quyền ở các lĩnh vực như quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, kinh tế, đô thị, tài nguyên môi trường, văn hóa xã hội.

Dự thảo hồ sơ xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo) đề xuất HĐND, UBND, Chủ tịch TP HCM giao một số chức năng, nhiệm vụ cho cấp tương ứng của thành phố Thủ Đức trong quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý kinh tế, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, quản lý văn hóa xã hội, tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị, cán bộ, công chức, viên chức.

Tương tự, UBND và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức được ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn.

Cơ quan soạn thảo lý giải, chính quyền TP Thủ Đức thời gian qua chưa phát huy hết vai trò chủ động, tính tự chủ, dám làm dám chịu trách nhiệm để phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, quy định về phân cấp, ủy quyền chung cho TP HCM đã có nhưng chưa quy định cụ thể với thành phố Thủ Đức.

Quá trình triển khai công việc tại Thủ Đức mất nhiều thời gian, công sức, chưa đảm bảo tiến độ, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân về sự phát triển vượt bậc của mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Việc kiểm tra, giám sát cũng chưa có cơ chế đặc thù về phân cấp nên gặp khó khăn khi triển khai, tạo tâm lý e ngại về tính minh bạch, công tâm của chính quyền.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP Thủ Đức chỉ có thẩm quyền ngang quận, huyện, chưa phát huy được vai trò của chính quyền đô thị đúng nghĩa và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm.

"Đặc thù của Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện khổng lồ với số lượng công việc của ba quận gộp lại, nhưng biên chế lại giảm nên bị quá tải, trong khi chưa có quy định về tiền lương cho những người này, dẫn đến giảm hiệu lực của bộ máy thành phố", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Cơ quan soạn thảo kỳ vọng việc tăng quyền cho TP Thủ Đức ở nhiều lĩnh vực sẽ tạo chủ động trong quản lý, điều hành, hỗ trợ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là động lực để Thủ Đức thu hút nhiều nguồn vốn, động lực trong và ngoài nước, đáp ứng mục tiêu đóng góp 30% GRDP của TP HCM và chiếm 7% GDP cả nước. Thí điểm tăng quyền cho Thủ Đức sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình thành phố thuộc thành phố tại địa phương khác.

 

 

(Xa lộ Hà Nội, đoạn qua khu vực quận Thủ Đức, TP HCM, tháng 9/2020. Ảnh: Quỳnh Trần)

 

Trong dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất HĐND TP HCM quyết định bộ máy, số lượng, chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thành phố Thủ Đức. UBND TP HCM sẽ lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu thanh tra xây dựng, trung tâm phát triển quỹ đất, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức.

Sau khi thành lập năm 2020, Thủ Đức có các cơ quan ban bồi thường giải phóng mặt bằng, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai; đội thanh tra trật tự xây dựng. Năm 2022, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức phải giải quyết 141.110 hồ sơ, trong đó 71.000 hồ sơ đúng hạn. Số hồ sơ còn lại bị chậm bởi Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM nên nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu.

Dân số hiện nay của Thủ Đức là 1,2 triệu, dự kiến đến năm 2030 là 2,2 triệu, đến 2040 là 3 triệu. Nếu tiếp tục vận hành theo mô hình cũ, cơ quan giải quyết thủ tục về đất đai sẽ không đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, lập Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức "sẽ phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp".

Cơ quan soạn thảo đề xuất HĐND thành phố Thủ Đức được lập Ban đô thị trực thuộc. HĐND thành phố có không quá hai phó chủ tịch và 8 đại biểu chuyên trách. UBND thành phố có không quá 4 phó chủ tịch.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, quận loại 1 có không quá ba phó chủ tịch. Tuy nhiên, Thủ Đức có 34 đơn vị hành chính cấp phường, 600 cơ sở giáo dục, 150 cơ sở tín ngưỡng, 285 cơ sở tôn giáo. Hàng trăm dự án ở các lĩnh vực khác nhau đang triển khai. Do đó, cơ quan soạn thảo cho rằng lập Ban đô thị, tăng số lượng lãnh đạo cho Thủ Đức là cần thiết để đáp ứng khối lượng công việc.

Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân được lập đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên trên cả nước. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

You want to save up to 50% on hotel and flight bookings?

Enter your phone number/email so we can send you the latest promotions!