Danh sách 4 ngôi chùa tại Việt Nam cung nghinh xá lợi Đức Phật dịp đại lễ Phật đản 2025

08/05/2025 - Admin Gostay

Trong dịp đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, xá lợi của Đức Phật được cung thỉnh từ Ấn Độ sẽ sang Việt Nam và được cung nghinh tại 4 ngôi chùa nổi tiếng ở hai miền Nam và Bắc. Xá lợi Đức Phật là bảo vật quốc gia của Ấn Độ, được thỉnh từ Viện Bảo tàng quốc gia Ấn Độ về Việt Nam từ ngày 2/5 - 21/5. Dự kiến, sự kiện triển lãm xá lợi của Đức Phật sẽ thu hút từ 3 - 4 triệu phật tử tới chiêm bái.

Chùa Thanh Tâm

  • Địa chỉ: Ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM.

Chùa Thanh Tâm tại TP. HCM còn có tên gọi khác là chùa Phật Cô Đơn, được thành lập từ năm 2007. Chùa thuộc khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở II. 

Với lối kiến trúc đơn giản, chùa có gian thờ chính để thờ Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là nơi trưng bày xá lợi Đức Phật. Không gian rộng rãi, thích hợp để lượng lớn phật tử ghé thăm và chiêm bái xá lợi.

Chủ tịch nước chiêm bái xá lợi Đức Phật tại chùa Thanh Tâm

Chủ tịch nước chiêm bái xá lợi Đức Phật tại chùa Thanh Tâm

Ngoài ra, chùa Thanh Tâm còn được biết tới là một trong những cơ sở đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo tăng ni và nghiên cứu Phật học. 

Đây cũng là điểm khởi đầu của hành trình cung nghinh xá lợi Đức Phật khi đến Việt Nam trong dịp Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.

Phật tử chiêm bái xá lợi Đức Phật

Phật tử chiêm bái xá lợi Đức Phật

Lịch trình cung nghinh tại chùa Thanh Tâm:

Ngày 2/5: Xá lợi được vận chuyển bằng chuyên cơ quân sự từ Ấn Độ đến Sân bay Tân Sơn Nhất. Máy bay hạ cánh lúc 7h45. Các vị cao tăng sẽ thực hiện lễ đón và rước xá lợi và diễu hành đến Học viện Phật giáo Việt Nam. Xá lợi được tri tôn tại chùa Thanh Tâm.

Ngày 3/5 - 8/5: Chùa mở cửa miễn phí cho người dân và Phật tử tới chiêm bái. Thời gian mở cửa từ 6h - 22h hàng ngày. 

Tuy nhiên, khách và Phật tử đến chiêm bái cần lưu ý vì chùa sẽ không thu bất kỳ chi phí nào nhưng cũng không nhận lễ vật. Đồng thời, quy định yêu cầu khách tham quan giữ im lặng, không chụp ảnh, quay phim.

Chùa Bà Đen

Điểm đến thứ hai của xá lợi Đức Phật đó chính là chùa Bà Đen tại núi Tây Ninh. Ngôi chùa nằm trên núi Bà Đen với độ cao hơn 900m so với mực nước biển. Chùa được biết đến là một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng nhất khu vực miền Nam.

Chùa Bà Đen Tây Ninh

Chùa Bà Đen nơi cung nghinh xá lợi Đức Phật

Ngôi chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, gắn liền với truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu - nhân vật được dân chúng tôn thờ nhờ lòng vị tha nhân ái và sự che chở, bao bọc dành cho người dân địa phương.

Đặc biệt, chùa là nơi kết hợp giữa tín ngưỡng thờ Phật với tín ngưỡng dân gian. Chính tượng của chùa Bà Đen thờ Phật Thích Ca và tượng Bà Đen.

Vào mùa xuân hàng năm, chùa là điểm đến của hàng triệu du khách và Phật tử trong nước, nước ngoài.

Lịch trình cung nghinh xá lợi Đức Phật tại chùa Bà Đen:

Ngày 8/5: Xá lợi được cung tiễn từ chùa Thanh Tâm đến chùa Bà Đen.

Ngày 9/5 - 12/5: chùa mở cửa từ 5h - 22h cho người dân, Phật tử tới chiêm bái.

Chùa Quán Sứ

  • Địa chỉ: 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chùa Quán Sứ là một trong những ngôi chùa nổi tiếng tại Hà Nội, được xây dựng từ thế kỷ 15 dưới đời vua Lê Thế Tông. Chùa đã gắn liền với lịch sử phát triển cũng như đời sống của người dân thủ đô từ xa xưa.

Chùa Quán Sứ - Hà Nội

Chùa Quán Sứ - Hà Nội

Chùa mang tên “Quán Sứ” bởi mục đích xây dựng ban đầu là để tiếp đón các vị sử giá từ nước láng giềng sang thăm. 

Hiện chùa là trụ sở chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là trung tâm, đóng vai trò quan trọng, chuyên tổ chức các hoạt động liên quan đến Phật giáo cấp quốc gia.

Ghé chùa Quán Sứ, du khách sẽ cảm thấy ấn tượng với lối kiến trúc truyền thống Bắc Bộ. Khuôn viên chùa có cổng tam quan, tháp chuông. Mái đao cong vút, lợp ngói cổ kính, nhuốm màu thời gian. 

Chính điện của chùa Quán Sứ thờ Phật Thích Ca. Hai bên đặt thêm tượng Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát. Chùa còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý và cổ kính: chuông đồng, tượng Phật cổ và nhiều bản kinh khắc gỗ.

Lịch trình cung nghinh xá lợi Đức Phật tại chùa Quán Sứ:

Ngày 13/5: Xá lợi được cung nghinh từ chùa Bà Đen đến Hà Nội, tôn trí tại chùa Quán Sứ.

Ngày 14/5 - 16/5: Chùa mở cửa từ 6h - 21h cho người dân và du khách tới chiêm bái.

Chùa Tam Chúc

  • Địa chỉ: Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Ngôi chùa cuối cùng được đón xá lợi Đức Phật trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đó chính là chùa Tam Chúc. 

Chùa Tam chúc

Ngôi chùa cuối cùng cung nghinh xá lợi trước khi xá lợi về Ấn Độ

Chùa có lịch sử lâu đời, được xây dựng từ thời nhà Đinh (vào khoảng thế kỷ X). Vào năm 2016, chùa được trùng tu với quy mô lớn hơn, là một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới với tổng diện tích lên tới gần 5.000 ha. 

Chùa có vị thế tọa sơn nghinh thủy, khi nằm trong quần thể hồ Tam Chúc, xung quanh được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh và hệ thống rừng tự nhiên rậm rạp.

Chùa có các công trình nổi bật: Điện Tam Thế, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ và tháp Ngọc. Chùa cũng là nơi lưu giữ tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, viên ngọc xá lợi từ Sri Lanka,...

Vào năm 2019, nơi đây cũng từng được chọn làm địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak 2019.

Lịch trình cung nghinh xá lợi Đức Phật tại chùa Tam Chúc:

Ngày 17/5: Xá lợi được cung tiễn từ chùa Quán Sứ đến chùa Tam Chúc.

17/5 - 21/5: Chùa mở cửa cho người dân và Phật tử đến chiêm bái.

Chiều 21/5: Xá lợi được cung tiễn từ chùa ra sân bay Nội Bài để trở về Ấn Độ.

0 Nhận xét

Bạn muốn tiết kiệm tới 50% khi đặt phòng khách sạn, vé máy bay?

Nhập số điện thoại/email để chúng tôi có thể gửi đến bạn những chương trình khuyến mại mới nhất!