12/06/2024 - Admin Gostay
Những người con Thổ Hà không chỉ tự hào rằng ngôi làng của mình như một “nhân chứng lịch sử”, trải qua bao thăng trầm của đất nước mà còn là nơi để lưu giữ bí quyết làm nghề, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Làng nghề Thổ Hà nằm tại xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ngôi làng cổ nhỏ bé này từng nổi danh với nghề gốm Bắc. Sau đó, khi nghề gốm “lùi” về sau thì làng lại nổi tiếng với một món ăn vô cùng dân dã - đó chính là bánh đa và đa nem.
Từ những năm thập niên 90 đến nay, người ta đã truyền tai nhau về món bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà với hương vị, màu sắc không thể lẫn vào đâu được.
Bánh đa nem được phơi dưới những nếp nhà cổ
Đường vào làng Thổ Hà quanh co, cùng những mái nhà đơn sơ, mộc mạc, nhuốm màu thời gian. Dưới ánh hoàng hôn ngọt lịm, khói bếp xám ngút cuốn theo chiều gió, mang hương gạo nếp rang lan tỏa khắp không gian.
Tiếng nổ lách tách của những mẻ bánh đa vàng rụm, đang hơ “mình” trên than hồng mới thật bình dị, chân chất biết bao.
Làng có nhiều gia đình đã làm bánh đa, đa nem qua nhiều đời. Những người con Thổ Hà gắn liền với từng mẻ bánh thơm, giòn từ thuở thiếu thời.
Nghề đồng hành cùng họ, chứng kiến qua bao đổi thay, thăng trầm của làng.
Từng chiếc bánh đa giòn rụm, thơm phức
Nghề làm bánh đa không hề đơn giản, đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mỉ, tinh tế trong từng công đoạn. Để một mẻ bánh mới có thể ra lò, những người con của làng nghề bánh đa Thổ Hà phải dậy từ sáng sớm tinh mơ để chuẩn bị nguyên liệu.
Từ việc chọn gạo, vo gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh hay đóng gói đều đòi hỏi sự chăm chút, tập trung và cái tâm với nghề. Có như vậy thì từng chiếc bánh khi hoàn thiện xong mới có chất lượng đồng đều.
Gạo nếp làm bánh phải là loại ngon nhất, được vo sạch, sau đó xay thành bột thật mịn. Khó nhất để cho một chiếc bánh ra lò chính là công đoạn tráng.
Mặc cho đôi tay chai sần của người nghệ nhân làng nghề, từng tầm bánh mỏng tang, đều đặn vẫn được thoăn thoắt trải ra.
Miếng bánh tráng đều, không phải chỗ dày chỗ mỏng, đem ra nắng phơi khô nhưng vẫn giữ được độ dẻo dai nhất định.
Tấm bánh được phơi đạt yêu cầu, đem cắt thành miếng vuông vắn chính là sản phẩm bánh đa nem Thổ Hà.
Những chiếc bánh đa thì sẽ được tráng bột dày hơn, rắc thêm vừng, lạc và dừa ở bên trên. Sau khi phơi khô, bánh được đem nướng bếp củi thơm phức rồi mới bán.
Công đoạn phơi bánh đa
Nghề truyền thống trân quý là vậy nhưng những người trẻ ngày nay lại ít mặn mà với nghề thủ công của làng. Các nghệ nhân lớn tuổi trong làng cho biết rằng, lý do thanh niên thường không lựa chọn theo nghề là vì làm bánh vất vả, thu nhập lại không cao.
Nhiều người lo lắng nếu cứ tiếp tục tình trạng như thế này thì làng nghề bánh đa Thổ Hà sẽ chỉ còn là một cái tên trong tiến trình lịch sử.
Những người nghệ nhân vô cùng trăn trở và muốn truyền lại nghề cho thế hệ trẻ để làng có thể tiếp tục được lưu truyền, giữ gìn và phát triển.
Rất may mắn rằng, nhờ sự tâm huyết của những người lớn tuổi trong làng, nhiều thanh niên đã nối tiếp truyền thống của ông cha, trở thành thợ làm bánh tiềm năng.
Hiện nay, làng nghề bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà vẫn được lưu giữ đến tận bây giờ, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của người dân địa phương.
Những người trẻ với khát khao muốn gìn giữ nghề truyền thống của quê hương
Cùng với sự chung tay của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội sẽ tiếp tục quan tâm và đồng hành cùng người dân trong việc sản xuất, kinh doanh bánh đa, bánh đa nem.
Đồng thời, làng nghề cũng có thể xây dựng và quảng bá hình ảnh của mình ra thị trường trong nước và quốc tế thông qua những sản phẩm du lịch trải nghiệm ngay tại địa phương.
Có như vậy thì lửa nghề mới được lưu truyền qua nhiều đời mà vẫn đảm bảo cho dân làng có được nguồn thu nhập ổn định và bền vững.
Nếu các bạn chưa được thử cảm giác miếng bánh đa thơm bùi, giòn rụm cùng chút ngậy của dừa và vừng làng Thổ Hà thì sau khi đọc xong bài viết này hãy trải nghiệm ngay nhé!
GoStay - Together with Joy.